Trung Thu xưa và nay mang nhiều điểm khác hơn, khó để tìm lại được cái cảm giác ấm cúng như hồi đó.
Cứ mỗi dịp Trung Thu đến, đứa trẻ nào cũng mong mình có thật nhiều đèn lồng, trống… để được đi chơi, đi rước đèn cùng bạn bè. Được người lớn tặng đồ chơi, tham gia rước đèn, ăn bánh trung thu, xem múa lân – sư – rồng… là những hoạt động mà hầu như trẻ em nào cũng muốn trải nghiệm trong ngày Tết Trung Thu.
Nhớ hồi còn nhỏ, hay kéo lũ trẻ trong xóm chạy đi rước đèn bằng giấy, rồi tối đến là nhà nào cũng được phá cỗ rồi chia bánh kẹo. Trung thu hồi đó vui ghê. Bây giờ nhìn lại, cái nhịp thời gian thay đổi nhiều quá làm cho cuộc sống con người cũng dần dần đổi thay, cách xa những thứ mộc mạc ngày ấy.
Nghiệm lại cảm giác tuổi thơ qua mỗi mùa Tết Trung Thu xưa và nay.
Ngày tết Trung Thu còn được biết đến là ngày Tết thiếu nhi của Việt Nam. Vào dịp này, cha mẹ sẽ thường chuẩn bị mâm cỗ trông trăng, sau đó tổ chức các trò chơi dân gian, cho trẻ đi rước đèn, xem múa lân để chào mừng ngày tết đặc biệt này. Không chỉ có ý nghĩa với trẻ em, ngày tết Trung Thu cũng chính là dịp để các thành viên trong gia đình gần gũi với nhau hơn, thể hiện sự yêu thương, đoàn kết, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Mùa thu sang, là khi những chiếc lá vàng lao xao bay trong gió, những luồng gió lạnh mỗi sớm mai và khi đêm xuống khiến tâm trạng mỗi người cảm thấy xốn xang hơn. Dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ mùa thu đến là không khí đón Tết Trung Thu tràn ngập các con đường, góc phố, ngõ hẻm.
Ngày xưa, chúng ta sẽ dễ bắt gặp mấy em nhỏ rủ nhau đi bẻ cây, hoặc vót tre để làm lồng đèn ông sao, hay là hình dáng ngoại đang ngồi gấp đèn lồng cùng mấy đứa cháu, sao mà trông thật vui, thật nhớ cái cảm giác tuổi thơ đó!
Bây giờ mấy đứa cháu của ngoại cũng lớn rồi, nhìn thấy được sự trưởng thành của những thế hệ tiếp nối mình qua mỗi mùa Trung Thu. Cứ thế trôi qua, cuộc sống hiện đại đang dần xâm lấn vẻ đẹp giản dị ngày xưa. Những cây lồng đèn xách trên tay mấy em nhỏ không phải còn bằng giấy hay tự làm ở nhà nữa, thay vào đó là đèn điện, hay đèn chạy bằng pin trông khá bắt mắt.
Hồi đó hay còn hay được phát bánh trên phường, nhà này chạy qua nhà nọ chia nhau ăn, đón một mùa Trung Thu ý nghĩa cùng gia đình, làng xóm. Bây giờ cũng khác rồi, người người tặng cho nhau mấy hộp bánh Trung Thu gói vô cùng đẹp và sang trọng, giá trị lên đến vài trăm có khi cả triệu. Bây giờ, bọn trẻ vẫn có Trung Thu, và chắc chắn là những Trung Thu lớn hơn, đầy đủ hơn nhiều. Nhưng cái hồn của một ngày đặc biệt mà bọn trẻ cảm thấy sung sướng như trước, cái thời thiếu thốn đủ thứ không còn nữa.
Bởi vậy mà nói, Tết Trung Thu xưa và nay đều là mùa vui, mùa đáng nhớ cả. Nhưng cái nhớ hình thành trong mỗi ánh nhìn của từng thế hệ lại là một điểm khác.
Tết Trung Thu xưa và nay đã thay đổi nhiều như thế nào?
Bánh Trung Thu
Bánh Trung Thu ngày xưa không nhiều, vì chỉ cần nhắc đến một chiếc bánh Trung Thu đầy nhân trứng và thịt là một điều khá xa xỉ, chỉ ao ước được cắn thử miếng bánh một lần. Bởi vậy, cái niềm vui của Trung Thu hồi đó không xuất phát từ những cái bánh mùi thịt nướng ấy, mà xuất phát từ những cái bánh nhỏ mẹ nấu, được ăn ngon trong khung cảnh gia đình sum họp.
Ngày nay thì khá nhiều loại bánh xuất hiện với nhiều thương hiệu khác nhau, loại nào cũng có. Và để mua một chiếc bánh Trung Thu như thế thì không có gì là quá khó. Bánh Trung Thu xưa và nay tuy vậy mà mang nhiều hương vị khó tả.
Đèn lồng
Hồi đó hay ngồi ở nhà mày mò đủ kiểu làm cho ra cái đèn ông sao giống người ta, nó méo mó nhăn nhúm lắm, thế mà cũng xách ra đầu hẻm chơi cho cùng bạn cùng bè. Có năm trên trường tổ chức thi lễ hội Trăng rằm, mấy tụi trong lớp lại xúm nhau làm thành một cái đèn thiệt là bự, to muốn bằng cả người hồi đó, phải năm ba đứa khiêng mới nổi. Vậy mà vui, kỷ niệm năm nào nhắc lại cũng nhớ.
Đèn lồng của Trung Thu xưa và nay đều có mỗi ý nghĩa khác. Bây giờ chiếc đèn lồng không còn làm khó khăn thế nữa, chỉ cần tầm vài ba ngày cận Tết Trung thu, là đi khắp phố đều sáng rực rỡ mấy cái đèn treo quá trời là hình thù khác nhau, nào con mèo, con chó, con gà,…
Sinh hoạt gia đình
Họp mặt gia đình vào Trung Thu xưa và nay mang mỗi nét khác biệt. Ngày trước cứ vào dịp này hàng năm, ông bà cha mẹ sẽ cùng về chung một nhà cùng ăn bữa cơm tối, cùng nhau cúng kiếng rồi phá cỗ, phát quà, bánh kẹo cho tụi nhỏ. Nghe tiếng vui mừng, ríu rít của tụi nó lúc nhảy cẫng lên, trên tay cầm cái bánh là cũng đủ thấy thứ vị ấm áp mà Trung Thu ngày xưa mang lại.
Trung Thu ngày nay thì thường thấy ở các khu chợ hay mấy khu tổ chức lễ hội lớn trong phố, hình ảnh bố mẹ cùng con đi dạo, mua sắm rất nhiều. Thay vì chia quà, chia bánh kẹo như ngày xưa, bố mẹ sẽ có xu hướng tự mua cho con nhiều thứ thích hơn. Như thế cũng là một mùa Trung Thu đầy đủ và ý nghĩa của tụi trẻ.
Mặc dù đã có nhiều nét đổi thay nhưng Tết Trung Thu vẫn là một lễ hội truyền thống lưu giữ nét đẹp văn hoá của người Việt Nam. Mong rằng dù là thời điểm nào đi chăng nữa, giá trị cốt lõi của ngày Tết cổ truyền này vẫn không bị mất đi và sẽ được truyền lại mãi cho đến những thế hệ sau.
Xem thêm: 1phutsaigon.vn