Liệu có ai còn nhớ về hình ảnh những tiệm hớt tóc vỉa hè từng xuất hiện trên khắp các con phố hay là con hẻm nhỏ, như một biểu tượng đặc trưng của Sài Gòn xưa mà chắc chỉ còn quen thuộc ở thời ông bà mình. Sài Gòn nay đã thưa dần hình ảnh chiếc ghế cũ dưới mái hiên nơi người thợ lành nghề cắt tóc cho khách, bên cạnh là con phố tấp nập người xe.
Nhu cầu ăn mặc và chăm sóc bản thân ngày càng được nâng cao, rất nhiều Salon xuất hiện và mọi người có thể tìm đến một cách nhanh chóng dù ở bất cứ nơi nào. Cuộc sống vốn dĩ không ngừng mới mẻ và hiện đại, vì thế mà những giá trị xưa cũ xuất phát từ những tiệm hớt tóc vỉa hè nhỏ này cũng dần chìm vào quên lãng.
Nhớ lại cảm giác ngày xưa qua những tiệm hớt tóc vỉa hè.
Bạn đã từng thử cắt tóc ở vỉa hè chưa? Hồi nhỏ có lần được cùng ông ngoại đến đấy, chỉ cần một cái ghế tựa và một cái gương trước mặt, thêm vài chiếc kéo nhỏ cũng đủ trở thành một tiệm hớt tóc rồi. Các chú hớt tóc đa phần đều là người lớn tuổi, họ luôn thân thiện và gần gũi với khách hàng lắm, vừa hớt tóc vừa được nghe những câu chuyện đời từ người bạn tâm giao, thảo nào ở đây luôn dễ gặp mặt những vị khách quen đến vậy.
Hầu hết những người thợ đều đã theo nghề được hơn 20 năm. Nhìn chung, thành công của những tiệm hớt tóc vỉa hè thường được xây dựng bằng mối quan hệ giữa người thợ và khách hàng nhiều hơn là công việc chính. Ngay cả khi không đến để cắt tóc, nhiều khách quen vẫn ghé thăm và ngồi chụm lại bên lề đường, bàn tán sôi nổi về tin tức thời sự hay những chuyện trong nhà ngoài phố. Không cần phải ở những nơi hiện đại và xa hoa, công việc hớt tóc đối với các chú mà nói như một niềm vui của cuộc sống.
Nhưng không phải vì thế mà có thể xem thường tay nghề của các chú được, tuy không đủ những điều kiện cần thiết như những tiệm tóc lớn nhưng nhìn từng sự tỉ mỉ và khéo léo khi các chú hớt tóc cho khách hàng mới hiểu rõ rằng, sự chuyên nghiệp của một người lành nghề thực sự không phải chỉ xuất phát từ những thứ bề ngoài và sự đánh giá sơ qua, mà đó là sự chuyên nghiệp lẫn về tuổi nghề và tuổi người, về sự tận tâm bằng cả tâm huyết khi cầm cây kéo trên tay, để không phải chỉ là mang danh của một “thợ hớt tóc” bình thường như bao người vẫn nghĩ.
Câu chuyện đằng sau những tiệm hớt tóc vỉa hè.
Khách hàng ghé lại đây rất nhiều. Những người “bạn quen” vẫn thường hay nhắc tới là những chú công nhân lao động, là những người thầy giáo, hay là những bạn học sinh, sinh viên nữa. Có những chia sẻ rằng: “Hớt tóc ở đâu không quan trọng, chỉ cần mình thoải mái và có một đầu tóc ưng ý như mình mong muốn là được rồi”. Hay là chia sẻ của một chú công nhân về trải nghiệm hớt tóc của mình: “Chú thấy hớt ở đây có khác gì trong tiệm đâu, thoải mái gần gũi, mà quan trọng là rẻ, chú còn thấy thích ấy chứ!”.
Đời sống con người ngày càng phát triển kéo theo đó là nỗi lo âu đối với những người tạo nên dấu chân cho sự hình thành của hiện đại. Liệu những tiệm hớt tóc vỉa hè này sẽ còn tồn tại đến bao giờ?
Tâm sự của chú hớt tóc: “Mấy đứa nhỏ vào đây hớt tóc xong hay bảo chú có uốn tóc hay nhuộm tóc gì không, chú bảo chú mà có tiền mua được mấy cái đó là chú làm cho tụi bây cho rẻ chứ vô tiệm tóc làm gì cho đắt. Có đứa nó nó bảo chú hớt kiểu tóc gì mà bằng tiếng anh, mà chú có biết tiếng anh đâu, nó chán xong không hớt nữa để đi mấy quán khác”. Chợt nhận ra bao nhiêu lâu nay chúng ta cứ chạy theo cái mới của xã hội mà quên đi những thứ gần gũi và ấm áp luôn ngay bên cạnh mình.
Thầm cảm ơn những người thợ yêu nghề vì sự tận tâm và đã cống hiến cả đời mình để mang lại vẻ đẹp bên trong lẫn ngoài cho tất cả mọi người. Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần ghé đến những tiệm hớt tóc vỉa hè để một lần trải nghiệm về những thứ mà bạn khó tìm được ở bất kì đâu.
Xem thêm: 1 phút Sài Gòn